Kịch Ngộ Nhận

Tác giả: Vũ Khắc Khoan
Đạo Diễn: Tony Le-Nguyen

Phóng tác: 28 cá nhân đến từ các ngành nghề khác nhau trong Nhóm Sồi.

Cuội được sinh ra như thế nào, sự thật đằng sau ngộ nhận về huyền thoại Ngưu Lang – Chức nữ và cây cầu Ô Thước là gì, tại sao lại sinh ra loài quạ, mối quan hệ giữa người Nam và người Nữ trong câu chuyện hậu Adam và Eva … tất cả những hình ảnh đầy chất dân gian ấy lại được Vũ Khắc Khoan “mượn” một cách rất tài tình để nói lên những triết lý thâm sâu về cả ba đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.

Vở kịch Ngộ Nhận (Misconception) vừa phản ánh hiện thực xã hội tại thời điểm tác phẩm ra đời, vừa vượt ra khỏi tính thời đại để chứa đựng trong nó những triết lý về quy luật vận hành của thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Nó chạm đến những tầng nghĩa vô cùng sâu sắc về sự hình thành sự sống và vũ trụ, về niềm khát khao tự do và hành trình tìm về chân lý vĩnh hằng của con người. Rốt cuộc thì đời sống này cũng chỉ là một vở kịch không hơn không kém, ai nhận ra quy luật thì người đó được tự do. Vũ Khắc Khoan đã rất khéo léo khi mượn nhân vật “Tác giả” và “Khán giả” để đặt ra một sự hoài nghi rằng liệu Trời có phải Đấng Toàn Năng duy nhất không? Và liệu con người có thể biết được bao nhiêu điều về chính bản thân mình, cũng như về vũ trụ bao la, huyền ảo này? Trong “cõi mê” nhân gian này, có bao nhiêu điều chúng ta biết, bao nhiêu điều tưởng là biết hoá ra lại là ngộ nhận truyền kiếp. Làm sao để biết, chính là một dấu chấm hỏi lớn, một câu hỏi tưởng như vượt quá tầm giới hạn. Thế nhưng, có lẽ câu trả lời lại có thể tìm thấy ngay trong những điều giản dị nhất. Là khi người ta sống đúng với bổn phận và sứ mệnh, và dù sao đi nữa, vẫn không từ bỏ tự do và tình yêu cao đẹp.

Cũng chính vì lẽ đó mà tác phẩm này là một thách thức cực kỳ lớn đối với đạo diễn cũng như diễn viên bởi những tầng lớp nghĩa sâu sắc được đan cài xuyên suốt tác phẩm.

Tuy nhiên, sự đồ sộ và phức tạp của nội dung tác phẩm không phải là thách thức duy nhất cho vở kịch này. Dàn diễn viên là các học viên của nhóm Sồi đến từ các nghành nghề khác nhau trong xã hội, trong đó có những người hoàn toàn chưa biết gì về nghệ thuật sân khấu, đâu cũng là một thách thức không nhỏ. Làm sao để các học viên, trong vòng 6 tuần lễ với 6 buổi làm việc chính thức cùng đạo diễn, có thể học được cách phân tích kịch bản, cách phóng tác để chuyển thể một kịch bản thành một vở kịch vừa phải giữ được những tầng nghĩa sâu sắc nhưng lại phải gần gũi đối với khán giả, đồng thời vừa phải phù hợp với những nguồn lực cực kỳ hạn chế. Điều này đòi hỏi mọi học viên phải hiểu cấu trúc của vở kịch, cách dàn dựng, cách diễn xuất và cách đạo diễn một vở kịch. Tất cả những thách thức này được đặt trọn lên vai đạo diễn và thật lạ kỳ thay, đạo diễn Tony Lê Nguyễn đã chấp nhận tất cả với tinh thần nhiệt huyết và niềm hứng khởi tràn trề của mình. Như một phù thủy lão luyện, anh đã biến hóa mọi khó khăn trở ngại thành động lực và dẫn dắt cả nhóm đi đến đích một cách tài tình.

Thời gian công diễn: 9:30 – 10:40 am, thứ 7, ngày 27 tháng 6 năm 2020
Địa điểm: Trung tâm đào tạo giáo viên Steiner, số 200 Yên, Hà nội (trong khuôn viên của khách sạn Thắng Lợi).