Tham dự một buổi vào “lớp học” của vợ. Nói chung vở kịch thì tôi cũng không có cảm giác ấn tượng lắm. Vì bản thân Tác phẩm gốc Ngộ Nhận cũng không hề dễ đọc và kén khán giả. Chưa kể để việc đội ngũ sản xuất đã cố gắng hết sức để tất cả các thành viên trong lớp đều có vai trong vở kịch. Thời lượng vở kịch ngắn, cố gắng chia đều lời thoại cho tất cả mọi người khiến cho vở kịch không có cao trào mà đi ngang khá là tuyến tính. Điểm nhất duy nhất có lẽ là những đoạn tung hứng vô cùng duyên dáng và đáng yêu lũ quạ đen.
Nhưng thực ra, việc đưa lý trí vào để phân tích một vở kịch như thế này là điều khá vô nghĩa. Vì có lẽ, đối với những “diễn viên” của vở kịch này, kết quả của nó không quan trọng bằng quá trình họ đã cũng nhau nhập vai, hóa thân vào những nhân vật, cùng nhau trải nghiệm hành trình thay đổi bản thân mà vở kịch, tự thân nó chỉ đóng vai trò như một chất xúc tác.
Tôi cảm thấy vui lây với vợ mình. Vì có lẽ lâu lắm rồi, tôi mấy thấy cô ấy có được cái cảm giác hạnh phúc một cách hồn nhiên như một đứa trẻ. Đó là thứ hạnh phúc của khi ta được ở bên cạnh những con người có cùng tần số. Rằng, à, cuối cùng ta đã tìm ra được “chủng tộc” của mình, đây là những ngừoi “giống” như mình. Mình cứ là mình thôi, cứ tự do điên rồ, dở hơi, hoang tưởng, hão huyền, mộng mơ, phi lý trí… theo cái cách mà ngừoi đời vẫn thường định danh mà chẳng phải ngại ngùng hay che dấu, vì ở đây những phẩm chất đó được trân trọng.
Tôi cứ “le ve” quanh nhóm lớp học của vợ với lý do để trông con. Nhưng thực ra là để tận hưởng cái dòng năng lượng tích cực lan toả ra từ những con người này. Tôi không thể dùng ngôn từ để định nghĩa được cảm xúc khi đó. Chỉ biết rằng nó đâu đó ở rất gần với khái niệm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc có được không phải bởi ta đạt được một điều gì đó mà ta hẳng mơ ước. Ta hạnh phúc bởi vì ta… hạnh phúc thôi, chả cần một lý do gì cụ thể cả.
Và bợt chợt, ta giật mình tự hỏi, phải chăng bấy lâu, cái mà ta vẫn đang gắn với khái niệm Hạnh Phúc, tự thân nó lại là một sự Ngộ Nhận…