“Từ lúc sinh ra, tôi đã đi đường cong và bây giờ, tôi vẫn đang chạy vòng vòng”
Rõ là giọng của xứ dừa miền Tây, thỉnh thoảng pha vài từ tiếng Anh “kiểu Úc”, Tony Lê Nguyễn cho thấy rằng hơn 30 năm xứ người chỉ làm giàu thêm chứ không gia giảm chất Nam Bộ trong anh. Ồn ào, sôi nổi khi nói về nghệ thuật hay trầm ngâm, tư lự khi chia sẻ những trăn trở về Việt Nam… Tác giả của vở kịch Chạy vòng vòng có lẽ là mẫu người khiến cho người đối diện không nhàm chán, bởi cách dẫn chuyện sinh động, lối diễn giải thú vị hay những câu trả lời gây bất ngờ…
Tuổi thơ xa xứ
“Tôi sinh ra ở miền Tây, trong nam – Mẹ ghi trong khai sinh là Sa Đéc, bên nội là Cần Thơ, bên ngoại là Long Xuyên… Sinh đâu không quan trọng, miễn là một nơi nào đó ở Việt Nam, may phước được sinh là mừng lắm rồi”.
Có gì đó tưng tửng, thêm phần bông đùa, nhưng chân thật đến từng… centimét. Tony Lê Nguyễn có thể không khiến cho người gặp lần đầu cảm tình ngay nhưng rồi sẽ bị hút theo những dòng suy nghĩ của anh, một cách tự nhiên.
Anh bắt đầu sống ở Australia từ khi mười tuổi. “Mình là nghệ sĩ thì ở đâu cũng là nhà”, anh nói. Cho nên thành phố Melbourne gắn bó với anh hàng chục năm là nhà, hay Hà Nội, Cần Thơ cũng là nhà, miễn là anh có nơi để thấy mình hữu ích…
Vậy mà có thời điểm anh thấy mình “đuối”. Những năm tháng đến trường không thực sự trọn vẹn bởi anh từng bị đuổi học. Chẳng phải do anh ngỗ nghịch hay vi phạm kỷ luật gì. Căn bệnh dị ứng từ lúc nhỏ trở nên trầm trọng hơn ở thành phố vốn rất nhạy với các loại dị ứng. Anh mệt lả vì uống thuốc, đến nỗi “người ta bảo mình hút chích. Ờ… cho mình “vai” gì thì mình diễn vai đó”.
Nhưng rồi anh cũng có vai diễn “xịn” đầu tiên trong đời. Năm 1985, đạo diễn Pino Amenta làm phim về chiến tranh Việt Nam The sword of honour và cần hàng trăm diễn viên quần chúng…
Thẻ diễn viên đầu tiên
Ngờ đâu đó là điểm khởi đầu cho mối duyên thực sự với diễn xuất. Ít lâu sau, anh trúng tuyển vào Handspan Theatre – đoàn kịch nổi tiếng với sân khấu hình thể trừu tượng. Trong bốn người được tuyển chọn lần đó, anh “đặc biệt” bởi là người Việt Nam, trẻ nhất và không tốt nghiệp trường nào về diễn xuất…
Anh được ký hợp đồng và trong hai năm, nhóm biểu diễn 200 show ở hai tiểu bang Victoria và Tây Australia. Nhưng quan trọng hơn là nhờ hợp đồng đó mà anh được Nghiệp đoàn diễn viên cấp thẻ diễn viên chuyên nghiệp. Ở Australia, không có thẻ diễn viên thì đừng nghĩ đến việc bước chân vào truyền hình hay điện ảnh.
“Mình là người bị đuổi học mà được cấp thẻ”, anh nhớ lại cảm giác sung sướng lúc ấy. Sau này anh mới biết rằng mình là người Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ diễn viên ở quê hương của các tài tử Nicole Kidmam, Russell Crowe…
Thế là anh có “hộ chiếu” để tìm nhà đại diện (agent) cho mình rồi đi thử vai, đóng phim, trả lời phỏng vấn trên báo chí… Một người Việt Nam xuất hiện trên sân khấu và phim trường Australia không phải là điều phổ biến. “Không phải hay hay dở mà là mình làm trước mọi người”, anh cười, “Hay không bằng hên”.
Trở thành diễn viên rồi anh mới thấy rằng cuộc đời diễn xuất thật mong manh. Nhằm tìm hiểu thêm về điện ảnh, anh theo học khóa kỹ thuật điện ảnh tại trường RMIT. Quan tâm đến con người, anh học về phát triển cộng đồng. Vừa học vừa làm – ngoài nghề diễn, anh còn làm phục vụ nhà hàng, thông dịch viên, hãng xưởng…
Không chịu làm “nô lệ”
Năm 1994, anh quyết định viết kịch bản riêng. Đơn giản vì anh nhận thấy làm diễn viên chỉ là “nô lệ” cho kịch bản của người khác. Chạy vòng vòng ra đời sau gần một năm thai nghén. Vở kịch nói về vòng luẩn quẩn của con người qua những chuyện mà bản thân anh đã trải qua…
Nhưng không hề dễ cho một tác phẩm hoàn hảo. Kịch bản viết bằng cả tâm huyết của anh đã bị một người chuyên về cấu trúc kịch bản ở Trung tâm nghệ thuật cộng đồng Footscray thẳng tay… xé. Thêm vài tháng nữa để viết lại.
May mắn được quỹ Queen’s Trust tài trợ 10.000 AUD, anh dàn dựng Chạy vòng vòng dưới dạng một vở sân khấu cộng đồng – có sự tham gia của nghệ sĩ và người dân. Đây có lẽ là vở kịch của người Việt Nam đầu tiên được dàn dựng ở Melbourne và lại theo lối đặc biệt như vậy. Các tờ báo lớn như The Age, The Herald Sun đều đưa tin.
Coi như là thành công bước đầu – động lực cho anh phát triển thành vở kịch chuyên nghiệp với chín diễn viên. Lại chạy vạy mãi mới có được $65,000 AUD – con số không thấm vào đâu so với sự vất vả trong quá trình thực hiện. Đó là năm 1996.
Tiếng vang từ Melbourne đã lan đến Sydney. Anh nhận được lời mời dàn dựng Chạy vòng vòng một lần nữa dưới dạng kịch cộng đồng với sự tham gia của nhiều người Việt ở Sydney.
Cũng trong thời gian này, anh làm những tác phẩm khác như A Time of Your Life, World’s Apart (1996), Now I Lay Me Down (1997), Taboo (1998)…
Đẹp trong sự không hoàn hảo
“Tony là người đầu tiên khởi xướng cho Việt Nam biết người khuyết tật vẫn có thể múa, không phải trên xe lăn mà là trên sân khấu. Cái giỏi của Tony là biến cái khiếm khuyết của người khuyết tật thành lợi điểm của các em. Khi Tony dạy múa cho người khuyết tật một cách bài bản, đó là quá trình giúp các em nâng cao nhận thức về giá trị của con người”.
(Chị Bùi Thị Hồng Nga – Chủ tịch Hội Người khuyết tật Cần Thơ)
Năm 2001, anh về Hà Nội và tham dự một hội nghị về người khuyết tật. Tình cờ gặp chị Bùi Thị Hồng Nga, Trưởng nhóm CLB người khuyết tật Cần Thơ. Chị buồn vì nhóm không đoạt giải trong cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra năm đó…
Sau đấy, anh về Cần Thơ, gặp lại nhóm khuyết tật. Sân khấu chính là nhà chị Hồng Nga. Đầu tiên là trò chuyện, anh để mỗi người kể lại câu chuyện của chính mình – chuyện vui nhất và chuyện buồn nhất. Sau đó, anh đến nhà từng người xem cách sinh hoạt, từ việc đánh răng, chải đầu, đi lại… Với cách nhìn nhận về cái đẹp trong sự không hoàn hảo, anh nghiên cứu và ra bài tập cho mỗi người.
Bốn, năm tháng kiên trì như thế. Anh dàn dựng điệu múa dài khoảng bảy phút trên nền nhạc của bài hát Đàn Sáo Hậu Giang. Tiết mục tham dự Hội thao văn nghệ người khuyết tật toàn quốc ở Huế năm 2002 và giành huy chương vàng.
Không biết bao nhiêu khán giả đã khóc khi xem tiết mục đó. Chính anh cũng thấy cảm động…
Làm nhiều từ cái ít
Sau đó, Tony không trở lại với biên đạo múa cho người khuyết tật nữa. Thay vào đó, anh dạy múa, diễn xuất và làm phim. Anh giảng dạy cho lớp múa của “người đàn bà múa” Phan Ý Ly, hợp tác với không gian nghệ thuật Black Box để tổ chức khóa học diễn xuất – khi thì ở Hà Nội, lúc thì ở TP. Hồ Chí Minh…
Nói về chuyện làm phim ở Việt Nam, anh lấy hai dẫn chứng ở thế giới: Phim El Mariachi (1992) của đạo diễn Robert Rodriguez thực hiện chỉ với kinh phí 7.000 USD nhưng doanh thu là 2 triệu USD còn phim Dancer in the Dark (2000) thì được quay bằng máy quay kỹ thuật số cầm tay quay nhưng thắng giải Cành cọ vàng và ca sĩ Iceland Bjork đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Theo Tony, đó là bài học quan trọng với những người làm phim: “Làm nhiều từ cái ít, làm được gì trong giới hạn nhất về kinh phí và nhân sự”.
Đó cũng là lý do nhà làm phim 46 tuổi thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Australia. “Tôi muốn khuyến khích người Việt, nhất là giới trẻ sáng tạo trong cái khó nhất chứ không phải trong cái tốn kém nhất”.
Trong chuyến trở về trước dịp Tết Ất Mùi, anh cùng các học viên thực hiện bộ phim ngắn Mơ chua về một cô gái thôn quê lần đầu lên thành phố lập nghiệp… Là đạo diễn, anh muốn nói lên tâm tư của một tầng lớp nhân vật mà xã hội thường không quan tâm lắm. Đó cũng là quan niệm sống của Tony và anh vẫn đang chăm chút cho từng nhân vật của mình theo hướng đó…
Hơn 10 năm từ ngày vở Chạy vòng vòng ra đời, tôi hỏi: “Bây giờ anh còn chạy vòng vòng không?”. Tony nói: “Có lẽ vẫn còn, nói chung con người mình sẽ phải chạy vòng vòng suốt đời bởi lẽ Trái đất tròn, mình có đi xa thiệt là xa nhưng cuối cùng cũng trở lại điểm đầu tiên thôi. Như trong đạo Phật, sinh lão bệnh tử cũng là một vòng. Vòng của con người sẽ tiếp tục, lòng vòng như vậy”.