Đúng là ở đời có nhiều thứ ngẫu nhiên mà như được xếp đặt sẵn. Làm thế nào mà vừa hôm thứ 5 mình chia sẻ với mọi người triết lý Giáo dục của kinh nghiệm, do kinh nghiệm và vì kinh nghiệm của John Dewey thì ngày hôm sau, mình được trải nghiệm luôn với bài giảng của thầy Tony.
Cảm nhận đầu tiên là ngạc nhiên và biết ơn. Biết ơn Thầy thật sự tôn trọng trải nghiệm riêng của mỗi cá nhân và của tất cả chúng ta, về nhau và về nghệ thuật kịch. Thầy không dạy lý thuyết về kịch, Thầy làm cho kịch nảy nở ra từ chính cuộc sống, cảm xúc, trải nghiệm của chúng ta, như hạt mầm nảy ra từ đất. Và rất từ tốn, qua mỗi hoạt động giản dị mà sâu sắc, Thầy dẫn dắt để mọi người trong lớp tự tìm đến với nhau và đến với kịch. Thầy đã đi xa với nghệ thuật Kịch nhưng Thầy tôn trọng cái Hiện tại của chúng ta. Thầy để chúng ta tự mình đạt tới sự thấu hiểu lẫn nhau, chúng ta tự mình dạy nhau cách trò chuyện với cơ thể, chúng ta tương tác, gặp gỡ, đối thoại với nhau qua tình huống kịch, chúng ta cùng nhau tháo gỡ những nút thắt, chúng ta tự mình khám phá và học cách tin tưởng lẫn nhau .
Tình huống kịch Xung đột vợ chồng với lời thoại là lời bài hát Kìa con bướm vàng là một trải nghiệm khơi gợi những nhận thức sâu sắc. Làm thế nào mà một bài hát đáng yêu như thế, những lời ca đáng yêu giản dị như thế lại đi vào một tình huống xung đột đầy kịch tính, có cả bạo lực và sự hung hãn nữa. Hóa ra ngôn ngữ chỉ là vỏ bọc. Cảm xúc, suy nghĩ, tâm trí và sau cùng là Tâm thức của chúng ta mới quyết định thông điệp mà chúng ta muốn truyền tải. Người ta có thể nói những lời yêu thương với thái độ vô tình vô cảm, nhưng cũng có thể nói những lời giản dị mộc mạc với thái độ tràn ngập yêu thương.
Và cũng chợt giật mình nhận ra, khi chúng ta trở nên mâu thuẫn, xung đột, căng thẳng và bạo lực, hình ảnh của ta sao mà méo mó, xấu xí, biến dạng đến thế. Ta truyền ra không gian quanh ta cái năng lượng của sự hung hãn, giận dữ, tiêu cực và sợ hãi. Ta làm biến dạng cả thế giới xung quanh.
Sợ quá. Thế mà ngày nào mình cũng giận dữ với con, quát tháo la mắng bé. Vậy thì trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ, hình ảnh của mình khi đó méo mó biến dạng đến thế nào. Tự bảo mỗi ngày sau đây sẽ phải học cách để đối diện với cơn giận của chính mình, tự mình đối thoại với nó, không cho nó nhẩy xổ vào những người xung quanh, không cho nó biến mình thành một quái vật hung hãn trong mắt những người cùng sống.
Một trải nghiệm để lại nhận thức mới mẻ và sâu sắc nữa, ấy khi ta chơi trò chơi cuối cùng: Nhắm mắt, buông mình cho những người xung quanh nâng đỡ. Mình cố gắng đỡ những người bạn đang nhắm mắt của mình một cách tận tâm nhất, và mọi người xung quanh cũng vậy. Nhưng đến lượt mình, mình lại không tin tưởng mọi người. Mình nhắm mắt nhưng không buông rơi bản thân, không buông rơi suy nghĩ. Nỗi sợ hãi và nghi ngờ choán lấy cơ thể và tâm trí. Mình gồng cứng người lên, vừa quăng mình vừa sợ. Mình vội vã dừng cuộc chơi. Chỉ là một cuộc chơi vô thưởng vô phạt mà còn đầy nghi ngờ và sợ hãi thì mình làm sao có thể kết nối với mọi người, tin tưởng và nỗ lực hết mình để cùng nhau làm một điều gì đó tốt đẹp và lớn lao?
Sáng nay ra chợ gần nhà, bỗng dưng bài học của Thầy Tony ùa về sống động. Và tràn ngập thú vị, say mê. Nhớ trò chơi “Đang làm gì đấy?”, thế là nhìn khắp xung quanh, thấy ai ai cũng say sưa với Cái họ Đang làm. Người ta chọn hoa quả, nấu đồ ăn, nhặt rau, gọt dứa, cân hàng, mổ cá, làm mực, bắt ếch, bóc tôm, bẻ hành bẻ tỏi, tẽ ngô, chặt mía, ép nước, treo hàng, nếm món ăn, thử quần áo, mời mọc, trả giá, xin xỏ, cãi cọ…Ôi tràn ngập những Cái Đang Làm trong một khu chợ truyền thống. Người ta làm tất cả một cách say mê không ngần ngại không xấu hổ không phán xét. Ấy là cuộc sống, cái cuộc sống tất bật mà đầy năng lượng, tràn ngập những hoạt động bình thường bỗng chốc trở nên phi thường. Ta thử quan sát bà cụ gọt dứa, tay bà nhặt lấy giữa chồng dứa cao ngất một quả mà bà bảo là Tuyệt ngon nhé, không dập tí nào. Bà gọt thoăn thoắt, khéo léo, con dao sắc lẹm đưa qua đưa lại, vỏ dứa rồi mắt dứa rơi xuống không ngừng nghỉ, vừa gọt bà vừa trò chuyện với người mua, mời mọc khách hàng mời, tiếp lời chị hàng rau, mắng mỏ anh quét dọn. Gọt dứa chỉ tập trung vào mà gọt cho nhanh, cho ngọt, cho khỏi gọt đứt tay…thế thôi đã khó, đã phải dày công lắm rồi. Thế mà xem, bà cụ ấy, khéo léo và tinh nhạy, cởi mở và tỉnh thức, nắm bắt và hồi đáp với mọi chuyển động, đổi thay, mọi tâm sự và sắc màu của cuộc sống xung quanh.
Khi Thầy Tony nói về nghề diễn – Đó là một thằng nô lệ, nay người ta bảo mình là mafia, mình là mafia, mai người ta bảo mình là chó mình phải là chó. Khi Thầy hóa thân vào, dù chỉ trong những khoảnh khắc rất ngắn, là Một người mở tung những ô cửa sổ, Một người đang bị cuốn vào nụ hôn nồng nàn, Một người tù bất cần và ngổ ngáo….Ồ, mình bỗng nghĩ rằng, có lẽ nghề diễn, đi đến tận cùng của nó là sự thấu hiểu sâu sắc, để từ bỏ cái bản ngã cao ngạo hay tự ti, để chạm tới Sự Thật, để hóa thân trọn vẹn vào các thân phận của sự tồn tại, các thân phận pha trộn cả sung sướng và khổ đau, cả huy hoàng và nhục nhã, của Tất cả đời này.
Xin tri ân sự gặp gỡ với Thầy, xin gửi tới Thầy lòng biết ơn vì những bài học sống động đã giúp em mở rộng lương tri của chính mình.