MỘT ĐÓNG GÓP CÓ Ý NGHĨA

Vở kịch Chạy Vòng Vòng là một đóng góp văn hóa vào mùa hội liên hoan sắc tộc hằng năm tại Sydney. Tác giả kiêm đạo diễn Chạy Vòng Vòng là một thanh niên Việt Nam, đó là Tony Lê Nguyễn. Chu Hà xin tỏ bày một vài ý kiến về đóng góp đó.

Đa văn hóa có khi được hình dung như một bàn billard, trái xanh trái đỏ trái vàng trái đen va nhau cồm cộp và chẳng dính nhau chỗ nào cả. Anh có kidney pie thì tôi có dim sim, chị có spring roll thì tôi có cà-ri gà, ông có Big Mac, Burger King thì bà có bánh mì thịt, bánh bao, người ta có violon thì tôi có đàn bầu, v.v. và v.v. Làm như thể văn hóa nghệ thuật là điều có thể cân đo như vàng bạc hay gỗ đá và đa văn hóa chỉ là một thứ vọng ngoại vì hiếu kỳ hoa hoè hoa sói.

Đối thoại thường chỉ một chiều với Anh ngữ là đích điểm. Cho nên, cuối cùng không có giao lưu mà cũng chẳng đối thoại. Hay chỉ đối thoại theo kiểu Pauline Hanson: ‘Anh ở Úc thì anh phải nói tiếng Anh, nghe hay không, hiểu hay không, chấp nhận hay không là tùy tôi!’ Cô nầy chua nhưng chẳng ngoa chút nào! Đã nước non ngàn dặm ra đi thì còn…non nước gì nữa mà mong đa văn hoá với thiểu văn hiến!

Tôi nhận lời đi xem kịch Chạy Vòng Vòng với tâm trạng ấy. Tôi không muốn tìm hiểu trước về nội dung vở kịch, nghệ sĩ trình diễn, tác giả và đạo diễn… Tôi muốn để cho lòng thật trống để khỏi mang tiếng là thiếu trung thực. Cũng chỉ vì tác giả và đạo diễn vỡ kịch Chạy Vòng Vòng là Tony Lê Nguyễn đã xuất hiện với tôi qua hai điều hơi nghịch thường.

Một lần tôi đọc trong tạp chí Hợp Lưu lời tuyên bố của một nhà thơ Việt ở Úc nói về những người ‘đang viết bằng Anh ngữ và làm nghệ thuật như những nghệ sĩ khác,… được độc giả và giới thưởng ngoạn ngoài cộng đồng Việt Nam biết tới nhiều hơn là trong cộng đồng. Họ không muốn bị nhìn thấy như những ethnic artist… họ làm việc rất chi thanh thản và khoẻ mạnh.’ Có dịp, tôi sẽ trở lại nhận định nầy một cách thấu đáo hơn. Tôi chỉ muốn nói rằng khi thấy Tony Lê Nguyễn xuất hiện, tôi nghĩ ngay: ‘Hà! hà! có thể đây là một trong những ôn con đang ăn ruốt nhưng lại không thích bị dính mùi mắm tôm nữa đây… ?!’ Tôi hăm hở đi coi Chạy Vòng Vòng một phần vì vậy.

Thứ hai, một hôm tôi được người bạn bảo đi hộ niệm trong một buổi cầu siêu ở chùa. Trước giờ hành lễ bạn tôi chỉ cho tôi một thanh niên chít khăn tang và bảo đó là Tony Lê Nguyễn có mặt trong buổi hiệp kỵ chiều nay vì chùa sẽ cầu siêu chung cho nhiều hương linh trong đó có thân mẫu của Tony Lê Nguyễn. Tony Lê Nguyễn quỳ trước tôi. Lúc xướng danh các hương linh được cầu siêu chiều hôm đó, tôi thoáng thấy Tony Lê Nguyễn cúi đầu quệt mắt. Tôi cũng đã làm y hệt trong lễ cầu siêu cho thân mẫu tôi. Tôi cảm được nỗi cô độc và dòng nước mắt cô đơn cùng tận của người mất mẹ. Tôi đâm nghi ngờ nhận định của nhà thơ về những người không còn muốn bị nhìn thấy như những ethnic artist. Còn nhớ mẹ là còn nhớ quê mẹ, còn nhớ quê mẹ là còn nhớ giống nòi…?

Tôi đi xem Chạy Vòng Vòng trong nhu cầu kiểm chứng đó. Tôi đến đúng giờ, quanh tôi cũng có nhiều người không muốn tà tà kiểu đi ăn đám cưới. Một số là đồng hương ngoại quốc nghĩa là Úc chay, Úc trắng, Úc đen…

Chạy Vòng Vòng là một kịch mở về cảnh trí, thời gian, cốt truyện, lối trình diễn và ngôn ngữ. Tất cả đều có thể du di co dãn, biên giới giữa diễn viên, sân khấu và khán giả bị tẩy nhạt, xóa mờ, nhường chỗ cho tham dự, tưởng tượng, sáng tạo.

Vở kịch dài gần 90 phút và được trình diễn xen kẻ bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Nói là chạy vòng vòng nhưng thực tế kịch đã vạch lại một đoạn đường khổ nạn thẳng tắp từ những nơi nào đó ở Việt Nam đến những nơi nào đó trên xứ tạm dung. Có thể là Úc, là Pháp, là Hoa Kỳ, là Canada…  Nhân vật trong kịch hành động theo đường thẳng có trước có sau đại cương vẫn theo ngày giờ năm tháng. Chỉ có những đau khổ, xao xuyến, bầm dập, bức xúc những nhân vật đó phải chịu là vòng vòng, nghĩa là hiện rồi biến, biến rồi hiện, không bao giờ hết và cũng không miên viễn. Chiến tranh, hưởng thụ, chết chóc, tù đày, vượt biên, ê chề qua thanh lọc, hồ hỡi trong định cư, mất mát trong hội nhập, tan nát trong no đủ, hỗn loạn trong tự do. Cuộc đời của viên sĩ quan trong vỡ kịch là con đường một chiều khởi đầu bằng những bạo động có ý thức của những thế lực gây chiến và kết thúc bằng những bạo động vô ý thức của những nhân viên an ninh tư, vốn là hình ảnh tiêu biểu của những xã hội phồn vinh tiến bộ trong đó con người không còn tin ai ngoài chính mình và đồng tiền của mình bỏ ra để mua an ninh cho bản thân mình bằng computer, chó săn và body guard. Cảnh sát, công an, quân đội chỉ là để lo địch ngoài mà thôi.

Chạy Vòng Vòng là một vỡ kịch để mà sống với chứ không phải một vỡ kịch để đọc hay chỉ để mà trình diễn theo kiểu cổ điển trong đó khán giả và diễn viên có những vị thế rõ rệt. Chạy Vòng Vòng là một sự tự thuật, tự trào, không ít thì nhiều mỗi khán giả đều tìm thấy mình, tìm thấy những mẫu đời mình trong đó. Khán giả có thể động tâm cười chính mình và khóc cho chính mình. Lối trình diễn đem sân khấu đặt giữa hay sát cạnh khán giả, làm cho biên giới giữa nhân vật kịch và khán giả càng nhạt nhòa thêm, làm cho hai bên gần nhau thêm. Cái biên giới nhạt nhòa ấy cũng hiện rõ giữa hai thế hệ già và trẻ, giữa cái khổ chính trị trong độc tài và cái khổ văn hóa trong tự do, giữa lối sống mới và nề nếp suy tư cũ, giữa nhạc Rap, Disco, Blue với Lý Con Sáo, Ru Con Trưa Hè…

Mấy khán giả Úc chay ngồi sau lưng tôi nhịn không nổi phải ghé qua hỏi tôi mấy bài Ru bài Lý đó nghĩa gì vậy. Báo hại tôi phải chữ được chữ mất dịch thoáng cho họ hiểu. Đang lúc tôi loay hoay tìm chữ để dịch, tôi bỗng ngộ một chuyện: Đối Thoại! Phải rồi, đối thoại! Không biết thì phải hỏi, hỏi thì phải trả lời, trả lời thì phải bàn bạc, bàn bạc rồi sẽ hiểu, sẽ tương nhượng. Có phải vì thế mà Tony Lê Nguyễn viết Chạy Vòng Vòng bằng cả hai thứ tiếng chen lẫn nhau, khi Anh lúc Việt? Lớp già đi xem thích và hiểu những đoạn tiếng Việt, lớp trẻ chắc hẳn là thích những đoạn tiếng Anh chứ với cái bệnh tiếng Việt ú ớ ba rọi mà 70, 80% thanh thiếu niên Úc gốc Việt đang mắc phải, những đoạn đối thoại tiếng Việt trong vỡ kịch biết đâu còn khó nghe hơn là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng, tiếng Tiều hay Quan Thoại nữa. Cho nên, lớp già muốn biết tụi nhỏ chúng nó xi lô xi la cái gì thì phải nhờ con cháu dịch lại, còn sáp nhỏ muốn biết mấy ông già bà già ‘ca sáu câu’ chuyện gì thì cũng đành nhờ dady, momy, aunty nói lại chầm chậm cho nghe vậy. Người Úc gốc Úc hay gốc phi-Việt Nam muốn hiểu như sắp nhỏ cũng phải kiên nhẫn theo lối đối thoại đó. Không còn đường nào khác hơn.

Chạy Vòng Vòng có những cảnh rất thực xen lẫn với những cảnh rất siêu thực. Cảnh siêu thực nên thơ như lớp sóng vượt biên, cảnh siêu thực nhưng thực một cách đến rợn người là cảnh ma chay và tiếng khóc của Kim Lan qua bài Ru Con. Thực đến độ macabre! Tiếng hát của Sarah Vongmany tài tử nhưng áo não đến nát gan nát ruột. Tiếng hát vừa cảnh giác vừa mời gọi. Mời gọi đối thoại cảm thông giữa hai thế hệ, cảnh giác những phản ứng quá đà muốn đòi tự do mà chẳng cần biết tự do để làm gì. Cảnh Sally Hoang đến quán rượu kỳ kèo móc túi chồng vừa ham nhậu vừa lười, cảnh hội từ thiện đón tiếp những người tỵ nạn mới đến thì thực hết chỗ nói, một sự thực bi hài cười ra nước mắt. Những cảnh có tính cách chính trị vừa tếu vừa thực có thể khiến cho những bóng ma chưa chịu chết khó chịu vì đã gặp lại mình một cách quá phũ phàng trong đó. Cảnh chào cờ và phút mặc niệm là một ngạc nhiên lý thú. Lúc đứng dậy chào cờ, ít ai ý thức được rằng mình đang khai mạc một vỡ kịch của đời mình cho chính mình xem!

Không kể cặp Lê Châu Qùy – Kim Lan xuất sắc và chuyên nghiệp, Hồng Nguyên, Rosie Chan, Sally Hoang, Khoa Do, Bảo Khánh cũng như những vai phụ trong vỡ kịch đều diễn xuất khá thành công. Sally Hoang vững và có tương lai.

Chúng ta thường nghe nói đến đa văn hóa và chỉ thấy nhận chứ không cho gì cả. Chạy Vòng Vòng là một cố gắng đóng góp văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa, khiến cho người Việt thấy rõ mình hơn, và người Úc hiểu người Việt thêm chút nữa. Được vậy là một thành công cho Tony Lê Nguyễn và những diễn viên đã biến Chạy Vòng Vòng thành một buổi mua vui có ý nghĩa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.