Lớp học kịch Trường Sồi

“Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay”- Chappin Charlin.

Nhiều năm trước mình đã viết những lời này lên facebook mà không hề biết rằng đến 1 lúc thì cuộc sống cũng phải lộ vở diễn, và kịch thật ra vẫn được tập đi tập lại nhiều lần. Chẳng qua chúng ta thường bị diễn sâu quá mà hay quên.

Nay tình cờ may mắn, mình đang được học kịch thật sự, với ông thầy của “những ngôi sao”. Ttrở thành một ngôi sao diễn xuất, với vương miện drama queen từng được trao, thì mình có đầy cơ sở để thành tựu lĩnh vực này. ^^

THỰC TẾ LUÔN PHŨ PHÀNG.

Ấy nhưng mà ngay ở bài đầu tiên làm quen, Tony hỏi cả lớp về nghề diễn, chỉ để đi đến kết luận chắc nịch(không nguyên văn): Không có ngôi sao nào hết, ngôi sao không liên quan gì ở đây cả! diễn viên là người làm công việc diễn xuất- theo-yêu- cầu- của người làm chủ, thường là 1 đạo diễn! “Đạo diễn cho làm hoàng thì được làm hoàng, bắt làm chó thì cũng phải làm chó!”

Thực tế và trần trụi. Nghề diễn không lung linh ảo mộng, mà nghiêm túc và cực nhọc. Cách nói của thầy khiến mình nhớ đến cảnh luyện nghề khắc nghiệt trong phim “Bá vương biệt cơ”, bối cảnh lịch sử mà ở đó nghề diễn là một nghề mưu sinh khiêm nhường, lại với đủ lề luật khắt khe. Đoàn diễn tự cho nghề nghiệp của họ là thấp kém, nhưng bản thân lại uyên bác và đầy tự trọng. Nghiêm sư xuất cao đồ- Thầy rất nghiêm còn trò rất giỏi, đều khổ luyện mà thành…

HỌC LÀ PHẢI SAY MÊ

Tuy xốc dậy tinh thần như thế, nhưng lớp của thầy luôn không ngớt tiếng cười. Cười bởi vô số tình huống được đặt ra, những cảm xúc được nhào nặn không ngừng.

Giờ học của kịch là giờ học được cả lớp mong đợi nhiều nhất. Tony mang tới sự mới mẻ, ngạc nhiên thú vị, những hoạt động liên tục mà không chút mệt mỏi.

Có rất nhiều trò chơi và kỹ thuật khởi động, team work…, thật thú vị cho cả lớp trải nghiệm. Và những thứ tưởng như vặt vãnh, tẻ nhạt, bỗng trở nên 1 thứ khác không tưởng, đầy bất ngờ, ý nghĩa, mà chỉ có kịch nghệ- kỹ thuật diễn xuất nhà nghề, sự truyền giảng khéo léo, tinh tế mới có thể mang lại.

Một trong những ví dụ nhỏ là trò chơi “Làm mà không giống nói, nói lại không giống làm”. Trò chơi này khiến mình thấy rõ mọi sự thật dễ bị rối mù và chúng ta lâu nay đã sống với rất nhiều thói quen quán tính, khó thay đổi. Và rằng thực ra chúng ta dễ bị thao túng bởi thói quen và quan niệm- một cách rất thật và cụ thể- đến như thế…

LÀM GÌ CŨNG CẦN SỰ DŨNG CẢM

Đến đoạn thử diễn xuất tự nhiên của học viên. Mình được yêu cầu diễn cảnh vợ cãi nhau với chồng (partner).

Tưởng gì, nghĩ bụng cái này dễ quá k cần diễn. Nhưng không, hoá ra ngay cả khi bạn đóng vai chính bạn, thì điều kiện đầu tiên vẫn phải có đấy là sự dũng cảm! Thể hiện bản thân trước sự chứng kiến của bao người, có thể k còn là một việc dễ như lẽ ra nguyên thuỷ là thế. Bằng cách nào đó, chúng ta đã luôn sống với rất nhiều dính mắc và lo lắng.

Một trong số đó là thói quen luôn quan sát sự quan sát của người khác về bản thân. Sợ mình xấu, sợ bị đánh giá. Trong tương quan giữa người với người, để có thể là chính mình, bạn phải buông xuống nhất nhiều thứ, chiếc mặt nạ xinh đẹp, thể diện k ngừng dựng tạo, mọi sự làm giá để mong được giá, thừa nhận cái xấu cái dốt cái thô lậu của bản thân, bạn phải dũng cảm. (chỉ lúc này mới hết xấu, bớt dốt)

BỨT PHÁ GIỚI HẠN BẢN THÂN

Trong một buổi tập khác, thầy yêu cầu cả lớp thả lỏng theo nhạc, chuyển động thân thể theo nhịp điệu, nhưng không được gọi bằng tên đã có- như gangnam style. Đến lượt mình được gọi lên yêu cầu ứng tác biểu diễn tại chỗ điệu “Nhà kinh doanh môi giới bất động sản”. Gì vậy? Nhưng nhớ đến Kiki hồn nhiên, và yêu cầu vượt ngại, mình vào luôn. Chân bước xoắn quẩy theo nhịp, tay vung rộng, vung hẹp, vươn cao, chém đẹp dứt khoát, rồi khum lại nở hoa, bung lụa, kết trái… Ý là tìm kiếm, đầu tư đất tiềm năng, phát triển quỹ đất, tăng giá trị, thiết lập quy hoạch, xây dựng, tham gia thị trường, tìm đối tác, sinh lời, phát triển. Mặt mũi cử chỉ đồng loạt theo động tác, k quan tâm gì khác…Vừa cuốn vào nhạc nhưng vẫn vừa nghe lỏm được thầy bảo với các bạn: Đấy thấy chưa, thấy giống ngôi sao Hollywood chưa! 😂👍Coi như được khen.

LÀ GIÁO VIÊN – HÃY TRỞ THÀNH MỘT CON NGƯỜI CƯỞI MỞ VÀ TỰ DO

Khi tiếng nhạc sôi động tắt. Thầy mới nhìn khắp lượt học viên bảo: Đừng tự bó hẹp mình bằng những quan niệm cố hữu, rằng cái này nhất định phải thế này, cái kia nhất định phải thế kia. Hãy để mình tự do khám phá những giới hạn mới. Đó là 1 cách khiến cho các bạn trở nên tự do hơn, cởi mở hơn. Điều này thật quan trọng. Nhất là khi các bạn là( hoặc muốn trở thành) một giáo viên!

Ồ quả đúng như thế. Giờ mới hình như hiểu sao Sồi ưu tiên tập kịch nhiều như thế, trong một khoá đào tạo giáo viên. Có phải để học kỹ năng diễn kịch, có phải để giải trí, hay làm sự kiện? Không, kịch là công cụ tốt, là một cách để hiểu sâu hơn, thật hơn như sờ chạm được về việc: trở thành con người tự do là 1 mục tiêu, thách thức, và là cực quan trọng đối với một người làm giáo dục. Cũng có thể dùng kịch như một công cụ đo 1 trạng thái tự do.

Có ngành nghề nào, có con người nào lại không cần đến ý chí tự do chứ?

( tip: buông thả, hay điên rồ, bất chấp hoàn toàn không đồng nghĩa với tự do)

VẺ ĐẸP CỦA GIAO TIẾP/SỰ ĐƠN GIẢN VÀ CHÂN THẬT

Khép lại chuỗi tâm sự dài này về lớp kịch này bằng hình ảnh mềm mại, một bóng hồng của thầy Tony: chị H- người phụ nữ có vẻ đẹp của một Việt kiều( nói vậy vì không biết tả thế nào, đó là vẻ đẹp của người Việt nhưng có khí chất sáng, nhẹ, thanh thoát tĩnh lặng, khác hẳn người Việt trong nước).

Trong buổi đầu làm quen cả lớp, chúng mình đều say sưa thao thao bất tuyệt- nhất là mình- để giới thiệu về người bạn cùng lớp với những người còn lại. Đến lượt chị H được đề nghị giới thiệu về Tony, với giọng nhỏ nhẹ, rõ ràng, chị bảo:

“Thật ra chị…chẳng biết nhiều về anh ấy đâu.” “Chị chỉ thấy là mỗi khi anh ấy lên lớp dạy thì anh ấy là con người khác hẳn, giống như đó là những lúc anh ấy được sống sung sướng lắm vậy đó…”(k nguyên văn).

Đúng vậy. Quả thực bản thân mình là ai nhiều khi còn chưa biết. Nói gì những điều về người khác, dù đó là chồng mình, vợ mình, con mình, bố mẹ mình, thật sự chúng ta biết gì về họ? thật sự ta hiểu họ được bao nhiêu?

Một lời nói thật như thật, tự nhiên đúng, tự nhiên trong suốt và dễ thương mà chẳng cần thêm màu mè gì. Vừa đủ để nâng vị thế người được nói đến, vừa đủ thân mật, quan tâm động viên, khiêm nhu, với một chút ngưỡng mộ. Cái vẻ duyên dáng này tiếc là cs chẳng có nhiều.

Còn rất nhiều chuyện hay từ lớp học kịch nữa, lớp còn được dựng nguyên cả vở kịch, dù chưa biết hay dở ra sao, sẽ công diễn vào sáng thứ 7 này tại KS Thắng Lợi.

Viết lại đây để cảm ơn thầy, tri ân trường Sồi, và những người bạn mới. ❤️❤️❤️

Trang Thu Giap

Learn More →

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.