Review: Kịch Chạy Vòng Vòng 1996

Biên Kịch & Đạo Diễn: Tony Lê Nguyễn

Trong cảnh trí âm u, mờ ảo, vở kịch mở đầu với tiếng tụng kinh trầm bổng ngân vang đều đều, khiến người ta tưởng chừng như đang bước vào một thế giới trang nghiêm huyền diệu. Nhà sư vẫn điềm nhiên tụng niệm; tiếng chuông mõ xen lẫn tiếng cầu kinh trầm trầm tiếp tục ngân vang trong lúc khán giả yên lặng di chuyển tìm chỗ ngồi.

Bổng nhiên những tiếng súng nổ giòn vang lên từ trong bóng tối, cùng tiếng hét ra lệnh khiếp đảm phá tan bầu không khí trang nghiêm của khung cảnh Phật đường. Nhà sư ngã gục, chết vội vàng khi tiếng cầu kinh chấm dứt để nhường lại cho một khung cảnh đàn áp hãi hùng.

Thời gian trôi qua 20 năm sau, biết bao người bị tra tấn dã man, biết bao người ngã gục; chết âm thầm trong rừng sâu hay trên biển cả, lúc học tập cải tạo hay lúc tìm đường tự do. Hải tặc, đói khát, cô đơn, nhọc nhằn lại giẵm lên số phận con người không may mắn. Bao nhiêu năm rồi vì chạy trốn chế độ độc tài, người dân phải chuốc lấy biết bao thảm họa bi thương. Họ được mang tên “thuyền nhân”, có khi lâm cảnh khốn cùng vì thuyền bị hải tặc nhận chìm trôi giạt lênh đênh nhiều ngày trên biển cả mênh mông, rồi tấp vào một hòn đảo hoang cô quạnh nào đó. Hết lương thực, họ phải tìm mọi cách để sinh tồn, chóng chọi với không gian và thời gian. Nếu người còn ở lại trong những trại học tập cải tạo có lúc phải ăn tất cả những sinh vật nào biết nhúc nhích, thì người trên đảo hoang nhiều ngày có khi phải ăn cả thịt người thân hay người bạn đồng hành vừa tắt hơi vì kiệt sức.

Lớp cha mẹ thì vẫn còn đeo mang, vướng bận những quá khứ phức tạp trong đời. Ðến đây, dù thời gian 10 năm hay 20 năm, đối với họ vẫn còn lạ cảnh lạ người, vì ngôn ngữ bất đồng hay vì văn hoá khác biệt. Những sở trường trong đời họ giờ đây không còn thích nghi với xã hội mới của Tây phương nầy nữa. Họ phải miễn cưỡng làm bất cứ công việc gì mà người ta chịu thuê họ. Từ những băn khoăn, trắc trở qua kinh nghiệm sống cá nhân, cha mẹ vẫn không ngớt lo âu cho tương lai con cái trong cái xã hội mới nầy. Sự khác biệt trong quan niệm về cuộc sống bắt đầu xâu xé gia đình. Con cái thì suy nghĩ theo lối suy nghĩ với số vốn kinh nghiệm đời của con cái. Cha mẹ thì suy nghĩ theo lối suy nghĩ của cha mẹ theo những kinh nghiệm đắng cay trong cuộc đời mà họ đã trải qua . Hai lối nhìn cuộc đời khác biệt đã gây ra biết bao thảm trạng mới cho các gia đình “thuyền nhân” Việt Nam.

Không hiểu nhau là một vấn nạn trong cuộc đời. Từ chỗ không hiểu nhau đi đến chuyện nghĩ sai lầm về nhau để rồi đâm ra oán trách, sân si. Trong gia đình sự bất đồng quan điểm, sự hiểu lầm nhau giữa hai thế hệ trẻ già; ngoài xã hội người bản xứ hiểu rất đơn giản về người Việt Nam : họ là “Chinese” đi tìm vàng, và họ là “thuyền nhân” ! Và chỉ có vậy thôi; người ta không hiểu thực sự vì sao người Việt phải bỏ nước ra đi. Người ta làm sao mường tượng được mức độ đàn áp của một chế độ độc tài khi họ không thực sự sống trong chế độ nầy. Sự mê lầm, chấp hữu, vốn vẫn đeo mang vằng vặc trong kiếp sống của con người trần thế. “Chánh Kiến” và “Chánh Tư Duy” vẫn còn là nhược điểm của con người. Nhìn thấy hiện tượng bên ngoài tưởng là bản chất. Màn vô minh dầy đặc vẫn còn che mờ tất cả chúng sinh tại thế, kể cả một thiểu số tự nhận mình là cao tăng, tiếp tục mê lầm, ngạo mạn, sân si.

Lớp người lớn thực ra đâu có thực sự hạnh phúc trong xã hội “tự do” của Tây phương, nhưng họ phải làm sao đây? Chạy đi đâu nữa? Trở về Việt Nam ư ? – Cũng có người trở về thử thời vận, nhưng cuộc đời vẫn còn ngổn ngang trăm mối ở đó. Họ lại chạy trở ra và tiếp tục “chạy vòng vòng” trong cuộc sống.

Lớp trẻ dĩ nhiên cũng chịu nhiều cay đắng. Trong gia đình thiếu sự cảm thông của cha mẹ; ra ngoài xã hội vẫn bị coi là “Chin chong” hay “Chinese”. Chán chường trong cảnh sống bất hoà ở gia đình, ra ngoài không tìm được niềm vui trọn vẹn vì thiếu phương tiện vật chất và sự an ủi tinh thần. Lớp trẻ muốn tìm cuộc vui hôm nay, cuộc vui nhất thời, và không nghiêm chỉnh nghĩ đến việc tạo dựng hạnh phúc cho tương lai. Họ muốn xa lánh cảnh bất hoà và thiếu “cảm thông” trong gia đình, bỏ lại những thứ tiện nghi vật chất do công lao xây dựng của cha mẹ để chạy đi tìm một nơi “độc lập và tự do”. Nhưng vì thiếu phương tiện vật chất tối thiểu, họ phải phấn đấu với đời để xây dựng nếp sống “độc lập và tự dó nầy. Trong cái tự do không bị hạn chế của tuổi trẻ, có biết bao nhiêu thứ hỗn loạn, xung đột, thử thách mới lại xảy ra. Vui chơi, trai gái, rượu chè và xung đột. Cuộc đời rồi cũng thấy cô đơn trong cảnh sống “độc lập và tự do” nhưng hoàn toàn thiếu trật tự nầy.

Bỏ học hành, bỏ gia đình để tìm vui hiện tại trong cảnh sống xô bồ, lớp trẻ vẫn không thực sự có niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Sau thời gian thử thách tự lập mưu sinh, thế giới “độc lập và tự do” bên ngoài vẫn không phải là nơi an trú có hạnh phúc. Sự che chở đùm bọc của gia đình đối với họ vẫn còn cần thiết. Tình thương bao la, lòng khoan dung và độ lượng khôn cùng của cha mẹ vẫn còn mãi trong truyền thống Việt Nam.

 

Chân Tâm

Learn More →

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.